THIÊN TRƯỜNG MEDIA (TTM GROUP) YOUTUBE “ĐỌC VỊ” NGƯỜI DÙNG BẰNG CÁCH NÀO

Youtube là nền tảng với một hệ thống video vô cùng đồ sộ, và nếu youtube không có những thuật toán riêng thì liệu người dùng có còn mở Youtube nếu nhiều lần lướt tới lướt lui mà không tìm thấy chiếc video nào đúng ý?

Mỗi chiếc video được đăng tải đều có nhóm khán giả riêng của nó. Và công việc của hệ thống đề xuất là tìm và dẫn tệp khán giả đó đến đúng nơi họ cần đến. YouTube đã dành hơn một thập kỷ để xây dựng hệ thống này trở thành một bộ phận chủ lực giúp thu hút và giữ chân khán giả. Sức tác động của nó còn lớn hơn cả tính năng đăng ký kênh và hệ thống tìm kiếm được tối ưu hoá.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu phần nào cách Youtube hiểu nỗi lòng của bạn ngay khi bạn bật app hay mở web.

Tư duy “đánh” vào trực tiếp thị giác của người dùng

Qua hơn 17 năm phát triển, YouTube có nhiều đổi thay phức tạp, nhưng nền tảng này dường như rất kiên định với việc nâng cấp hình ảnh. Các bức ảnh bìa ngày càng được phóng to. Chiếc ảnh đại diện của các chủ kênh cũng được thêm vào từ năm 2016. 

Không đề xuất video mới dựa trên video bạn xem gần nhất

Trái với những gì chúng ta thường nghĩ, thuật toán của YouTube không phải lúc nào cũng dựa trên nội dung cuối cùng mà bạn xem để đề xuất nội dung tiếp theo (trừ khi bạn là người dùng mới và lịch sử xem rất hạn chế).

Trong tài liệu được xuất bản của 3 kỹ sư phần mềm tại Google, các tác giả chia sẻ: “Chúng tôi chọn một chiếc video ngẫu nhiên trong lịch sử xem của người dùng và xem xét hành động mà người dùng đó thực hiện trước khi dừng xem chiếc video.”

Nghĩa là nếu bạn thoát ngay chỉ sau vài giây mở một chiếc video nào đó, và sau đó là tắt luôn ứng dụng, thì ở lần truy cập tiếp theo nhiều khả năng bạn sẽ không thấy nội dung nào liên quan đến chiếc video đó. Nói cách khác, tuỳ vào mức độ thoả mãn của bạn đối với một nội dung nhất định mà YouTube sẽ đề xuất nội dung liên quan tiếp theo.

Cách thức “đo độ thỏa mãn” của người dùng

Để đo mức độ thỏa mãn của người dùng, YouTube cơ bản dùng đến 2 bộ lọc, bao gồm: bộ lọc ứng viên (candidate generation filter) và bộ lọc xếp hạng (ranking filter). Cụ thể, ban đầu để một chiếc video trở thành một video “tiềm năng” được chọn cho việc đề xuất, nó phải liên quan đến lịch sử xem của người dùng.

Đó có thể là video bạn chưa xem từ kênh YouTube mà bạn đã đăng ký, hay video đã được nhấn xem bởi những người “liên quan” đến bạn. Chẳng hạn như những người cùng yêu thích một nhóm nhạc A mà bạn đã đăng ký, những người có độ tuổi, hay vị trí địa lý gần với bạn.

Sau đó, các video được cho là “tiềm năng” sẽ được xếp hạng dựa vào các yếu tố như: tỷ lệ lượt bấm vào (click-through-rate), thời gian xem (watchtime), phản hồi trực tiếp về độ thỏa mãn của người dùng đã xem (survey response), lượt chia sẻ, lượt thích (shares, likes, dislikes).

Cấu trúc tổng quát của hệ thống đề xuất. | Nguồn: Nghiên cứu “Deep Neural Networks for YouTube Recommendations”.

Nếu bạn là người hay chia sẻ bất kỳ video nào mà bạn xem, bao gồm cả những video bạn nhấn dislike, hệ thống sẽ biết không dùng đến thông tin này để đề xuất nội dung. YouTube cũng khẳng định hệ thống của họ không tuân theo một công thức nhất định, mà phát triển linh hoạt khi thói quen xem của bạn thay đổi.

Ưu tiên“người quen” ở hàng đề xuất trên cùng

Con người luôn tìm kiếm quen thuộc nhưng cũng luôn mưu cầu sự mới lạ. YouTube cho thấy mình nắm rõ bản chất đó khi luôn dành riêng hàng đề xuất trên cùng cho những thứ vừa quen vừa lạ đối với từng người dùng.

Theo Nghiên cứu “Deep Neural Networks for YouTube Recommendations” có đề cập rằng “We consistently observe that users prefer fresh content, though not at the expense of relevance” dịch ra là: “Chúng tôi liên tục nhận thấy rằng người dùng thích các nội dung mới lạ hơn, nhưng không có nghĩa chúng không liên quan gì [đến những thứ đã có sẵn trong hộp sở thích của họ]” 

Loại bỏ các video phù hợp 99%

các video được chọn để hiển thị (dù xuất sắc) không phải lúc nào cũng vừa ý. Video được đề xuất (dù được chấm 99 điểm phù hợp) không phải lúc nào cũng được xem. Hệ thống sẽ nhận diện các video bị thiếu 1% yếu tố còn lại để giảm tần suất hiển thị ở những lần truy cập sau của bạn.

Điều tương tự cũng xảy ra với các kênh chứ không chỉ với các video riêng lẻ. Các kỹ sư công nghệ của Google tiết lộ rằng họ sẽ thống kê các thông tin như: Người dùng đã xem bao nhiêu video từ kênh này? Lần cuối cùng họ xem video về chủ đề này là khi nào?

Từ đó hệ thống tính điểm gắn bó của người dùng đối với kênh YouTube đó và đưa ra quyết định có tiếp tục đề xuất nó hay không.

YouTube – Chiếc hộp không đáy

Nhiều người ví YouTube như một ngôi trường giàu có khi hơn 1 tỷ người dùng đang có mặt trên nền tảng này. Cứ mỗi phút trôi qua lại có hơn 300 giờ đồng hồ nội dung được tải lên. Và cứ mỗi ngày kết thúc lại có gần 5 tỷ video được xem.

Với kho dữ liệu khổng lồ như thế, YouTube chắc chắn không chỉ dựa vào một vài quy tắc để kết nối khán giả và người sáng tạo nội dung. Hệ thống của họ thậm chí còn liên tục thay đổi để làm tốt công việc đề xuất. Nhưng cho đến hiện tại thời gian chú ý của bạn khi xem một video bất kỳ vẫn được xem là một cơ sở dữ liệu quan trọng nhất. Do đó, nếu bạn muốn tập trung học tập, có lẽ tốt nhất nên tạo một tài khoản riêng để YouTube chỉ đề xuất nội dung phù hợp với mục đích đó và tương tự với các sở thích khác của bạn cũng như vậy. 

————————————————————————————————————————————————
Thông tin CV gửi về email: tuyendung@ttmgroup.vn
Tìm hiểu thêm về TTM Group
🔸Website: https://ttmgroup.vn/ 
🔸Fanpage: https://www.facebook.com/ttmgroupofficial
🔸Youtube: https://www.youtube.com/@ttmgroup.official
🔸Tiktok: https://www.tiktok.com/@ttmgroup.vn
————————————————————————————————————————————————
🏢 Tầng 5, Toà Nhà VTC Online, 18 Tam Trinh, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
☎️ Hotline: 038.969.1584

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *